Trong khuôn khổ dự án WB7, Ban CPO (Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi Việt Nam) tổ chức Hội thảo/Đào tạo về Hiện đại hóa thủy lợi tại Đà Nẵng. Một trong những nội dung của hội thảo là ứng dụng hệ thống SCADA trong quản lý tưới. Công ty TNHH MTV thủy lợi Tp.HCM (HCMC-IMC) là đơn vị đã đầu tư hệ thống SCADA trong dự án WB3 và sử dụng có hiệu quả phục vụ vận hành hệ thống tưới trong thời gian qua, được mời tham gia hội thảo để giới thiệu và chia sẻ các bài học thành công.
Hệ thống SCADA Dầu Tiếng – Củ Chi thuộc Tiểu dự án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng” – Dự án “Hỗ trợ thủy lợi Việt Nam” (VWRAP). Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu tại toàn bộ chiều dài Kênh Chính Đông từ Đập Dầu Tiếng đến KM 43.065 trên khu vực Củ Chi. Nhằm hỗ trợ trong việc điều khiển và giám sát. Dự án khởi công 10/2011; 6/2012 đưa vào vận hành thử nghiệm; Chính thức khai thác đưa vào sử dụng từ 12/2012.
Hệ thống sau hơn 3 năm đưa vào khai thác sử dụng được Chủ đầu tư HCMC-IMC đánh giá cao, theo đó giúp:
- Từng bước kiểm soát được việc cung cấp nước theo lưu lượng, khối lượng và đặc biệt là gíam sát được chất lượng nguồn nước cấp; đảm bảo mục tiêu cấp nước theo khối lượng, chất lượng;
- Công tác dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến mực nước, lưu lượng trên khu tưới được phản ánh thường xuyên, liên tục, kịp thời thay cho trước kia phải quan trắc bằng thủ công;
- Hiệu quả công tác quản lý nước được nâng lên, số liệu vận hành công trình phục vụ tưới tiêu được tính toán một cách khoa học, tổ chức quản lý vận hành công trình hợp lý, không còn xảy ra tình trạng thiếu – thừa nước; đặc biệt đối với khu tưới kênh Đông Củ Chi tổ chức điều tiết nước, hợp lý, tiết kiệm kiểm soát được lượng nước sử dụng, Đây là cơ sở để tiến tới ký hợp đồng dùng nước theo khối lượng phục vụ đa mục tiêu trong tương lai;
- Thay thế vận hành thủ công bằng vận hành tự động: trước đây việc vận hành thủ công xảy ra nhiều khiếm khuyết như cháy mô tơ, cong ty cống, không cập nhật được số liệu vận hành…Hiện nay cán bộ vận hành tại các cụm trạm đều tiếp cận vận hành theo hướng hiện đại hóa, giám sát số liệu vận hành một cách chính xác, tiết kiệm được sức người, nâng cao hiệu suất lao động;
Qua quá trình vận hành, Chủ đầu tư cũng chia sẻ các bài học để xây dựng và quản lý thành công một hệ thống SCADA quy mô lớn trên một địa bàn phức tạp, đó là:
- Chủ đầu tư phải chủ động, trách nhiệm, đam mê việc ứng dụng công nghệ thông tin, không trông chở ỷ lại cấp trên (tài chính, nguồn lực, chuyên gia)
- Có quá trình chuẩn bị lâu dài, nhất là xây dựng nguồn nhân lực (am hiểu về thủy lợi, thủy nông, CNTT, điện tử viển thông) để cùng tham gia trong suốt quá trình thực hiện dự án, cũng như tiếp nhận đưa vào quản lý vận hành, chủ động về mặt kỹ thuật để xử lý các sự cố nhỏ, thuận lợi trong việc đầu tư nâng cấp phát triển tiếp hệ thống SCADA;
- Đào tạo, chuẩn bị lực lượng cán bộ thủy nông cơ sở (cụm, trạm) có kiến thức cơ bản về SCADA đủ điều kiện tiếp nhận và quản lý vận hành khi công trình thi công xong đưa vào sử dụng;
- Chủ đầu tư phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong suốt thời gian thực hiện dự án, cộng đồng trách nhiệm, kịp thời điều chỉnh, giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công;
- Trong điều kiện công nghệ ngày càng phát triển nhanh, giải pháp thiết kế phải dựa trên một hạ tầng SCADA ổn định và được cập nhật mới nhất. Cấu trúc hệ thống được thiết kế theo hướng mở (cả phần cứng lẫn phần mềm) để có thể tích hợp và phát triển hệ thống trong tương lai
- Hàng năm Chủ đầu tư phải chủ động đề xuất bố trí kinh phí (bằng nguồn của địa phương hoặc công ty) để tiếp tục đầu tư duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, nâng cấp phát triển hệ thống SCADA.
Hệ thống SCADA Dầu Tiếng – Củ Chi là hệ thống tự động hóa trong lĩnh vực thủy lợi tiêu biểu và thành công, được Chủ đầu tư đặc biệt quan tâm quản lý, duy trì khai thác vận hành hiệu quả và mở rộng nâng cấp thường xuyên. Đây cũng là hệ thống mà rất nhiều các cơ quan đơn vị trong lĩnh vực thủy lợi của Việt Nam đến tham quan học tập.
Tổng hợp